banner

100% các Bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu Cơ sở quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức

08/08/2024

Tính đến 30/6/2024, 100% các Bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; tổng số dữ liệu được đồng bộ đạt 2.292.771 hồ sơ.

100%

Thứ trưởng Trương Hải Long báo cáo tại Phiên họp

Kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Báo cáo tại Phiên họp lần thứ 8 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ diễn ra sáng ngày 15/7/2024, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục có những chỉ đạo sát sao, quyết liệt để tháo gỡ những điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính, đảm bảo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp và phương châm của năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện để chỉ đạo, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm; nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình thực tiễn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Chính phủ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, với thành viên là các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả cải cách hành chính, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, sát sao hơn các nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính; đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Bộ Nội vụ, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2023 của các Bộ, các tỉnh. 

Công tác thông tin, tuyên truyền và kiểm tra cải cách hành chính được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, với nhiều hình thức đa dạng và nội dung phong phú tới từng nhóm đối tượng cụ thể, gắn với việc tận dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần lan tỏa tinh thần cải cách hành chính đến người dân, xã hội và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ công chức, viên chức. Hầu hết các địa phương đã xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Bộ Nội vụ đã tổ chức một số đoàn kiểm tra, làm việc về cải cách hành chính tại các địa phương, gồm: Hải Dương, Đồng Nai, Phú Yên. Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, các Bộ, ngành có liên quan tổ chức các đoàn thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại 06 Bộ và 03 địa phương.

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật

Về cải cách thể chế, Chính phủ đã tổ chức 05 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; ban hành 14 nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 quyết định, 01 công điện để chỉ đạo, yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng lập đề nghị, soạn thảo luật, pháp lệnh và khắc phục tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Chính phủ ban hành 83 nghị định; các Bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền hơn 150 thông tư; Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành khoảng hơn 1.500 văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế - xã hội mới phát sinh, trong số đó, có nhiều văn bản liên quan đến cải cách hành chính.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024, theo đó, xác định 03 lĩnh vực trọng tâm cần theo dõi là: (i) An toàn thực phẩm; (ii) quản lý thuế; (iii) xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.

Thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh

Về cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính, như: Nghị định quy định việc thực hiện liên thông điện tử 02 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất; Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Về rà soát cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2024, các Bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh tại 16 văn bản quy phạm pháp luật, nâng tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.943 quy định kinh doanh tại 250 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 18,6%. 

Tổng số thủ tục hành chính được phân cấp là 108 thủ tục hành chính tại 08 nghị định và 13 thông tư, nâng tổng số thủ tục hành chính được phân cấp từ năm 2022 đến nay là 261/699 thủ tục hành chính tại 53 văn bản quy phạm pháp luật.

Về rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 - 2025: các Bộ, cơ quan đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa 40 thủ tục hành chính nội bộ và phê duyệt theo thẩm quyền phương án đơn giản hóa 151 thủ tục hành chính nội bộ (bãi bỏ 25 thủ tục hành chính, sửa đổi bổ sung 166 thủ tục hành chính); các địa phương đã phê duyệt phương án đơn giản hóa tổng số 861 thủ tục hành chính (bãi bỏ 97 thủ tục hành chính, sửa đổi bổ sung 764 thủ tục hành chính). 

Về việc thực thi 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, tổng số thủ tục hành chính được thực thi là 247 thủ tục hành chính tại 25 văn bản quy phạm pháp luật. Tính đến nay, các Bộ, ngành đã đơn giản hóa 828 thủ tục hành chính được giao tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, đạt 76%. 

Văn phòng Chính phủ đã hoàn thiện tài liệu hướng dẫn mô hình mẫu về Bộ phận Một cửa theo hướng kết hợp cung cấp dịch vụ hành chính công của các đơn vị hành chính trên cùng địa bàn và đang xin ý kiến của các bộ, ngành địa phương và các cơ quan có liên quan để hoàn thiện, ban hành và tổ chức thí điểm tại 4 địa phương (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh) trong thời gian tới. 

Các Bộ, ngành, địa phương đã tinh giản biên chế tổng số 3.853 người

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản liên quan đến công tác tổ chức bộ máy, như: Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; Nghị quyết thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW; Quyết định số 139/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 về Kế hoạch xây dựng Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 269/QĐ-TTg ngày 02/4/2024 thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ… 

Bộ Nội vụ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, ngành theo Thông báo Kết luận số 114/TB-BCĐĐMSXTCBM; đã tổng hợp danh mục vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính, cơ quan thuộc Chính phủ và đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở Thông tư hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Về quản lý và tinh giản biên chế, trong 6 tháng đầu năm 2024, kết quả tinh giản biên chế của Bộ, ngành, địa phương theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ tổng số là 3.853 người; trong đó, bộ, ngành là 107 người (47 công chức, 60 viên chức), địa phương là 3.746 người (530 công chức, 3.216 viên chức). 

Đến nay, 53 tỉnh, thành phố có thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đã hoàn thiện Phương án tổng thể, trong đó cấp huyện thực hiện sắp xếp là 49 đơn vị. Tính đến ngày 30/6/2024, Bộ Nội vụ đã nhận được 28/53 hồ sơ đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Bộ Nội vụ đã chủ trì tổ chức thẩm định, hoàn thiện trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Đề án của 05 địa phương, 09 địa phương đang hoàn thiện Đề án sau thẩm định; 14 địa phương đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức thẩm định (03 địa phương đã tổ chức khảo sát; 11 địa phương đang hoàn thiện hồ sơ) và 25 tỉnh, thành phố đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án. 

Các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng được 13.965 công chức, viên chức

Về cải cách chế độ công vụ, trong 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ ban hành 02 nghị định liên quan đến tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước và về việc bầu, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường của TP. Hồ Chí Minh. Bộ Nội vụ đã ban hành Kế hoạch số 551/KH-BNV ngày 30/01/2024 về kế hoạch tổng kết thi hành Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Luật Viên chức (sửa đổi). 

Các Bộ, ngành, địa phương trong 6 tháng đầu năm 2024 đã thực hiện tuyển dụng công chức, viên chức được 13.965 người (bộ, ngành tuyển dụng 169 công chức, 391 viên chức; địa phương tuyển dụng 1.519 công chức, 11.886 viên chức). Tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP được 30 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ (Bộ, ngành tuyển dụng 04 người, địa phương 26 người) để bổ sung vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cả nước.

Về chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ tập trung tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương tổ chức 21 cuộc họp để xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, thận trọng, tính toán các phương án tối ưu, khả thi nhất để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội. Theo đó, thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình phù hợp, từng bước, chắc chắn, khả thi, hiệu quả; thực hiện đầy đủ cải cách chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp; thực hiện 4/6 nội dung cải cách chính sách tiền lương khu vực công; 2/6 nội dung thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, giữ nguyên phụ cấp hiện hành. Đồng thời, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% (từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng/tháng) và hướng dẫn thực hiện cơ chế thưởng 10% tổng mức lương cơ bản của cơ quan, đơn vị để thực hiện từ ngày 01/7/2024. 

Về cải cách tài chính công, Chính phủ đã ban hành 05 nghị định, Bộ Tài chính đã ban hành một số văn bản trong lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, trong đó, nhiều văn bản có tinh thần cải cách mạnh mẽ, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. 

Công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt: Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 196.669,4 tỷ đồng, đạt 27,51% kế hoạch, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

100% các Bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức

Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, thể chế, chính sách đã được ban hành để hoàn thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, bao gồm: 10 nghị định, 06 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 02 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. 

Tính đến nay, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet) đã phục vụ 99 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 2.288 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế hơn 789 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy. 

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến 30/6/2024, tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến đạt 81%; tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 48%. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đối với các dịch vụ công trực tuyến toàn trình của các bộ, ngành đạt 61%; cấp tỉnh, thành phố đạt 17%. Trung bình toàn quốc đạt 42%. Tính đến tháng 6/2024, toàn quốc có 63/63 địa phương ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thành phố Hà Nội ban hành chính sách quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên địa bàn thành phố. 

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, kết quả số hóa tại các Bộ, ngành đạt 31,11%, tại các địa phương đạt 53,20%.

63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử trực tuyến. Tính đến 30/6/2024, 100% các Bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; tổng số dữ liệu được đồng bộ đạt 2.292.771 hồ sơ.

Nhìn chung, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bật cập về cải cách hành chính đã được tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng (Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong bộ chỉ số tự do kinh tế thế giới, tăng 04 bậc so với năm 2022; xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 02 bậc so với năm 2022). 

Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian lắng nghe, tiếp xúc với người dân, cộng đồng doanh nghiệp để chỉ đạo nghiên cứu, xử lý những phản ánh, kiến nghị về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Nhiều mô hình hay, điển hình, như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tỉnh: Khánh Hòa, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. 

Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, từng bước có những kết quả cụ thể, mô hình tốt, điển hình, như: Đà Nẵng, Bình Phước, Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh... 

Toàn cảnh Phiên họp

Báo cáo cũng đề ra 7 nhiệm vụ cải cách hành chính 6 tháng cuối năm 2024, cụ thể:

Một là, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; có giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của các Bộ, cơ quan, địa phương, bảo đảm đúng tiến độ. 

Tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính; tăng cường công tác đôn đốc, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về cải cách hành chính. Tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Hai là, các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch hoạt động năm 2024. Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo triển khai có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính năm 2024; các Bộ, ngành, địa phương sử dụng hiệu quả kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính. 

Ba là, các Bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, trong đó tập trung xây dựng vị trí việc làm để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục triển khai thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Triển khai, hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách thể chế, tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho sản xuất, kinh doanh. Gắn kết chặt chẽ giữa cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính với chuyển đổi số. Rà soát, kiến nghị bãi bỏ các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; tăng cường phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Nghiên cứu, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với chuyển đổi số, tổ chức tinh gọn, phù hợp với thực tiễn. 

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các cơ chế, chính sách mới trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai thực hiện hiệu quả chính sách cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024 theo kết luận của Bộ Chính trị. 

Sáu là, tăng cường rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công tại các Bộ, ngành, địa phương. Tổ chức triển khai có hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; phối hợp các Bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có đủ điều kiện. 

Bảy là, tiếp tục triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; chuyển đổi số quốc gia theo kế hoạch, lộ trình đã phê duyệt. Các Bộ, ngành, địa phương tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, bảo đảm cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, thống nhất; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, địa phương phục vụ phân tích, xử lý dữ liệu, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06.

Theo: moha.gov.vn

Bình Luận

Tin liên quan