- Chính phủ Mỹ vừa phải đóng cửa một loạt công sở vì không còn đủ ngân sách hoạt động. Câu chuyện của cường quốc số một thế giới này có gì đáng lưu tâm với trường hợp ngân sách Việt Nam cũng đang eo hẹp như hiện nay, thưa ông?
- Việt Nam nên nhìn nhận đây là một tấm gương tày liếp. Đến một nền kinh tế mạnh và giàu có như họ cũng không chịu nổi bội chi ngân sách quá cao và quá lâu nói gì Việt Nam. Hãy coi là một lời cảnh báo rất nghiêm khắc rằng không thể tiếp tục chi ngân sách một cách quá dễ dãi như có người dân hay đùa là “tiêu tiền chùa” như vậy. Qua đây tôi cũng thấy Quốc hội Mỹ giám sát việc chi tiêu ngân sách rất chặt chẽ.
Ông Lê Đăng Doanh đề xuất mạnh tay cắt giảm chi tiêu công. Ảnh: Thanh Lan.
- Vậy ông đánh giá sao về việc giám sát chi tiêu ngân sách của Việt Nam khi mà nguồn thu ngày một giảm còn chi tiêu lại vẫn tăng?
- Những khoản chi thường xuyên đang tăng rất nhanh từ 65,4% tổng số chi năm 2005 lên đến 77,1% năm 2012. Tỷ trọng như vậy thì không có túi tiền của quốc gia nào chịu đựng nổi.
Trên thế giới, không có chuyện dùng xe công một cách tùy tiện như ở ta, từ cấp phó đến giám đốc Sở đều có xe đưa rước. Liên minh hợp tác xã của một tỉnh cũng được cấp một chiếc xe biển xanh để chủ tịch dùng xe công đưa đón hàng ngày, ăn cưới, ăn giỗ v.v.. Hay quỹ lương đang được chi cho rất nhiều biên chế không hề có sản phẩm công việc nào… Như vậy ngân sách đang bao chi cho cả những tổ chức quần chúng và bao cấp nhiều khoản chi ngoài tiền lương.
- Giảm lương công chức là ý tưởng bị bác ngay khi chưa thành hình, nhưng cũng đủ cho thấy tình hình ngân sách quốc gia đang thế nào. Ông có gợi ý nào khác cho Bộ trưởng Tài chính để giải quyết khó khăn này?
- Trước tiên, tôi nghĩ nên chia sẻ với kiến nghị của ông Đinh Tiến Dũng do tình hình hiện nay quá khó khăn. Tuy nhiên, có thể không cần giảm lương nhưng Quốc hội nên xem xét để giảm mọi khoản chi tiêu thuộc về chế độ ngoài lương như xe cộ, chiêu đãi, công tác nước ngoài. Tôi vừa từ Nga về, Đại sứ Việt Nam tại Liên Bang Nga Phạm Xuân Sơn cho biết bình quân một năm đón tiếp từ 200 - 220 đoàn công tác từ Việt Nam sang, có đoàn tới 60 người. Những chuyến đi như vậy có cần đoàn đông đến thế không, chi phí tốn kém nhưng đã mang lại hiệu quả cao chưa?
Muốn có cải cách cơ bản phải thực hiện công khai minh bạch, Chính phủ phải có trách nhiệm giải trình. Cứ mở website của Chính phủ Thụy Điển, Canada ra, bạn sẽ thấy họ công bố Thủ tướng đi máy bay hết bao nhiêu tiền, chi phí ở khách sạn, chiêu đãi Thủ tướng nước bạn ra sao, bao nhiêu người tham dự. Tương tự, vào website của Chính phủ Hàn Quốc sẽ thấy chương trình cụ thể của Tổng thống nước họ hàng tuần.
Ông Doanh đề nghị giám sát chặt chẽ việc dùng xe công cho mục đích tư cũng như chuyện đi công tác nước ngoài gây lãng phí. Ảnh: Chu Toàn Thắng.
Như ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam - thống kê, có tới 70 quỹ tài chính nhà nước được thành lập và 40 quỹ vẫn đang vận hành với hàng tỷ, hàng trăm thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng. Có Quỹ chưa dùng hết nhưng không huy động để bù đắp thiếu hụt ngân sách được. Do đó, tôi nghĩ nên có biện pháp huy động từ các quỹ này trước khi phải tăng vay để cân đối ngân sách.
Còn nếu vẫn không cân đối được thì cũng không loại trừ phương án các lãnh đạo hãy gương mẫu trong việc tự cắt giảm các chi tiêu hành chính, tự giảm lương của mình trước khi đề cập chuyện cắt giảm lương tối thiểu của công nhân viên chức.
- Chính phủ cũng đang xin nới trần bội chi để có thêm nguồn chi cho đầu tư phát triển. Ông nghĩ sao khi giải quyết bài toán ngân sách cho quốc gia bằng cách này?
- Tôi cho rằng đó là những giải pháp không bình thường và thể hiện tình hình ngân sách đang rất căng thẳng. Giờ có thể vay thêm qua phát hành trái phiếu vì không lo về cầu khi vốn ngân hàng còn ứ động nhiều. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế chứ không giải quyết vấn đề một cách toàn diện, cái chính phải bằng mọi cách giảm được chi tiêu.
Hơn nữa, nếu Chính phủ đi vay quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân. Nói cách khác, tổng vốn của xã hội là một miếng bánh, nếu người này chiếm phần lớn thì đông đảo những người còn lại nguy cơ phải chịu đói.
Nới trần bội chi ngân sách cũng là một giải pháp (như Mỹ đang làm mà chưa thống nhất được với nhau) nhưng kèm theo đó, Quốc hội cần ra các điều kiện để ràng buộc việc tăng hiệu quả đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, nâng cao trách nhiệm của những người ra quyết định sử dụng đồng vốn. Nói thật, gợi ý chính sách thì không thiếu nhưng vấn đề là nền kinh tế còn đang bị bệnh “tồn kho các giải pháp”.
- Vậy vì sao giải pháp nhiều mà chúng ta chưa "tiêu thụ" chúng cho hiệu quả để phục hồi nền kinh tế?
- Trong nhiều hội thảo trên cả nước đến những diễn đàn như Kinh tế Mùa thu, Mùa xuân… đều có rất nhiều kiến nghị, từ cải cách thể chế đến vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước hay sở hữu đất đai, tái cơ cấu ngân hàng, đầu tư công… Nhưng có điều, một là giải pháp chưa đủ cụ thể và thứ hai là năng lực tổ chức thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu.
Công bằng mà nói, Chính phủ đã thực hiện khá nhiều nhưng càng làm mới thấy nảy sinh quá nhiều vấn đề khó khăn. Ví dụ như gói cho vay 30.000 tỷ đồng, làm mới thấy giải ngân khó hơn ta tưởng. Doanh nghiệp bất động sản "chết" vẫn nhiều thêm. Hay như nợ xấu, dù đã giải quyết được phần nào nhưng VAMC bắt tay vào mới thấy quá nhiều vấn đề.
Tóm lại, giờ là lúc Quốc hội, Chính phủ phải hành động mạnh hơn nữa.
Thanh Thanh Lan
Nguồn: Vnexpress