Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội đang diễn ra sáng 31/10, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ sự sốt ruột về tiến trình tái cơ cấu ngân hàng. Mở đầu phát biểu, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (tỉnh Quảng Trị) đánh giá cao nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước khi báo cáo ở kỳ họp này không xuất hiện những nguyên nhân vướng mắc đến từ một số cổ đông lớn trong các nhà băng.
Tuy nhiên, ông Hà Sỹ Đồng băn khoăn về danh sách 9 ngân hàng yếu kém mà nhà điều hành đã chỉ đích danh vừa qua. Theo ông, cần rà soát, đánh giá lại sức khỏe của các tổ chức tín dụng một lần nữa. Đại biểu tỉnh Quảng Trị cũng dẫn trường hợp của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) để cho thấy, ngân hàng lớn không đồng nghĩa với khỏe. Theo ông, các ngân hàng lớn phải có đủ lượng vốn cần thiết để tham gia tái cơ cấu hệ thống.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng ngân hàng lớn hiện nay không đồng nghĩa với ngân hàng khỏe mạnh. Ảnh chụp màn hình.
Trong quá trình xử lý các nhà băng yếu kém, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, nếu không tìm kiếm được nhà đầu tư mới để đạt yêu cầu về lượng vốn cần thiết. "Vốn trong nước không đủ phải gọi thêm vốn nước ngoài. Nếu vẫn không được phải đóng cửa, cắt bỏ ngân hàng đó", đại biểu nói.
Chia sẻ những trăn trở xung quanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng bên hành lang Quốc hội, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) lại đề cập tới khía cạnh pháp lý khi nhiều quy định hiện hành còn sơ hở, chưa thúc đẩy việc xây dựng một hệ thống tài chính lành mạnh hơn. "Lách luật trong ngân hàng rất phổ biến. Nếu chúng ta cải cách hệ thống ngân hàng và kiểm tra một cách nghiêm túc sẽ còn vạch ra nhiều khiếm khuyết của những ngân hàng cụ thể", nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.
Một trong những kẽ hở dễ lách luật phổ biến ở ngân hang hiện nay là sở hữu chéo. Theo đại biểu Cao Sĩ Kiêm, việc các đối tượng trong ngân hàng thành lập công ty con, rồi đi vay lẫn nhau, tham gia lẫn nhau dẫn đến tình trạng họ dùng nguồn vốn của xã hội phục vụ cho nhu cầu cá nhân, khiến nguồn vốn không đặt đúng chỗ, gây rủi ro cho toàn hệ thống.
"Sở hữu chéo tất nhiên là có những cái tốt. Nhưng chúng ta chưa kịp khai thác mặt tích cực của nó thì những cái không tích cực đã kịp phát huy. Do đó, một trong những cải cách quan trọng của ngành ngân hàng hiện nay là xử lý tốt cái sở hữu chéo", nguyên Thống đốc ngân hàng nói.
Khi phát hiện sai phạm, ông Kiêm nói, cần xác định cái sai đó là do cơ chế sơ hở hay do đạo đức yếu kém, cố tình lừa đảo để có xử lý đúng địa chỉ. Nguyên Thống đốc ngành ngân hàng khẳng định chúng ta phải cải cách mạnh mẽ, đúng luật pháp để khôi phục lòng tin vào thị trường, vào chính sách.
Chia sẻ mối quan tâm tới lĩnh vực ngân hàng, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị dỡ bỏ trần lãi suất và trần huy động để chuyển sang cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới dần tỷ giá để phù hợp tình hình trong và ngoài nước.
Còn theo đại biểu Phạm Quang Khải (Bà Rịa - Vũng Tàu), trong bối cảnh hiện nay, nông nghiệp được xem là cứu cánh của nền kinh tế nhưng tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm dần. Để làm rõ vấn đề này, đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước đánh giá 5 lĩnh vực ưu tiên cung cấp tín dụng, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ lãi suất với khu vực nông nghiệp nông thôn.
Thanh Lan - Thanh Bình
Nguồn: Vnexpress