banner

Cử tri không hài lòng vì chất vấn Thủ tướng quá ít

23/12/2013

Thảo luận về kết quả kỳ họp thứ 6 tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 23/12, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đạt kết quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của cử tri, thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội. Lần đầu tiên, Quốc hội dành thời gian xem xét, thảo luận Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5.

“Phiên chất vấn diễn ra dân chủ, công khai, có tính tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng. Các đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn, thẳng thắn, có trọng tâm”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu phản ánh của cử tri về mong muốn được nghe Thủ tướng trả lời chất vấn trực tiếp nhiều hơn. Ảnh: N.Hưng.

 

Đề cập tới vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa nêu phản ánh của cử tri về thời lượng trả lời chất vấn trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo đó, vì thời gian ít nên nhiều câu hỏi không được trả lời, trong đó có nhiều chất vấn quan trọng.

Điều này cũng được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ. “Thời gian dành cho Thủ tướng ít quá. Cử tri phản ánh muốn được nghe trả lời nhiều hơn”, bà Ngân cho hay.

Tại kỳ họp quốc hội vừa qua, Thủ tướng nhận được nhiều chất vấn nhưng nhiều câu hỏi của đại biểu chưa được giải đáp như về phòng chống tham nhũng, làm sân golf trong sân bay, cầu hiền… bởi thời gian đã hết.

Đánh giá thêm về kỳ họp, Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa phản ánh, có nhiều buổi số lượng đại biểu vắng quá nhiều. Thậm chí, có những đoàn chỉ có một người đi họp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ sự không hài lòng khi “có đồng chí cứ nhăm nhăm thời gian họp Quốc hội để bố trí đi nước ngoài”. Theo ông, Quốc hội dân chủ nhưng rất cần kỷ cương, kỷ luật.

Bàn về dự kiến chương trình sắp tới, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, do Hiến pháp đã được thông qua nên khối lượng công việc đặt ra cho công tác lập pháp rất lớn. Ông đề nghị có kỳ họp chuyên đề thông qua các dự án luật. Đề nghị này cũng được Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình tán thành.

Theo chương trình phiên họp tháng 12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ Cho ý kiến về kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp vào sáng 24/12. Tại phiên họp, Pháp lệnh cảnh sát cơ động cũng được thông qua.

Nguyễn Hưng

Nguồn: Vnexpress.net

Tin liên quan