banner

Chỉ thị Số 02/2010/CT-UBND

10/07/2013

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH BÌNH DƯƠNG

 

Số: 02/2010/CT-UBND

   CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
        Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Thủ Dầu Một, ngày 26 tháng 5 năm 2010

 

     

CHỈ THỊ

Về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa

trong công tác phòng, chống tham nhũng .

Trong những năm qua, công tác phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng  cả về nhận thức và hành động. Tuy nhiên công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn có một số hạn chế, thiếu sót chưa đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi của tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Để phát huy thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, quyết tâm đưa công tác phòng chống tham nhũng tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn cần tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

1. Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; chú trọng tuyên truyền các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhằm làm cho cán bộ, công chức và nhân dân nhận thức sâu sắc, đúng đắn về công tác phòng, chống tham nhũng.

Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức, triển khai thực hiện Đề án được ban hành kèm theo Quyết định số 137/2009/QĐ-TTg ngày 2/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai và tổ chức thực hiện việc nghiên cứu, quán triệt đầy đủ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong tòan thể cán bộ, công chức tại cơ quan đơn vị mình.

2. Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, xã, phường thị trấn, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của từng đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng hàng quý, hàng năm trên cơ sở chương trình chung của tỉnh. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước và phải đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng; phải chủ động đề ra các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình kế hoạch và các quy định về phòng, chống tham nhũng.

3. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, công tác tự kiểm tra nội bộ đối với đơn vị sử dụng ngân sách, sử dụng tài sản công, thực hiện công khai đầy đủ mọi khoản kinh phí ngân sách theo quy định. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn cho phù hợp với các quy định hiện hành và thực hiện nghiêm các quy định này. Các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh phải gắn việc quản lý thu chi ngân sách nhà nước với việc thực hiện triệt để Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; điều hành quản lý ngân sách phải chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, theo đúng dự toán ngân sách được giao, đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức chỉ tiêu đã qui định.

4. Thủ trưởng các ngành, các cấp cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, viên chức trong cơ quan, đơn vị mình; xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu cực, tham nhũng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; thực hiện tốt các quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, chống nhũng nhiễu, phiền hà, đề cao sự liêm chính của cán bộ công chức trong thi hành nhiệm vụ và trong quan hệ xã hội, giữa công chức với doanh nghiệp và với người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, công bố công khai các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; công khai các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực giải quyết của đơn vị mình nhằm tạo sự thuận lợi cho nhân dân trong việc giám sát và thực hiện. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong tỉnh tiếp tục phát động trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

5. Tiếp tục kiện toàn về tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của các đơn vị chuyên trách phòng, chống tham nhũng tại các cơ quan Thanh tra, Công an, Viện Kiểm sát và Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh Bình Dương về phòng, chống tham nhũng. Tiếp nhận, xử lý kịp thời các vụ việc tố cáo hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm việc bao che, không xử lý hoặc xử lý không cương quyết các vụ việc tố cáo về hành vi tham nhũng. Ban hành quy chế phối hợp hoạt động giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh với các đơn vị liên quan nhằm phát huy hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh Bình Dương về phòng, chống tham nhũng xây dựng kế họach tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ kiêm nhiệm thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

6. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra trên các lĩnh vực có tính nhậy cảm như: quản lý sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản; thuế, hải quan; tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ; xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần nêu cao trách nhiệm trong việc góp ý và kiến nghị kịp thời với cấp trên những bất cập về thể chế và những sơ hở trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương tăng cường công tác tuyên truyền, đưa tin, biểu dương các tấm gương người tốt, việc tốt về công tác phòng, chống tham nhũng; các cơ quan chức năng cần có chính sách khen thưởng kịp thời và có biện pháp bảo vệ người tố cáo, phát hiện tham nhũng.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, xã phường, thị trấn nghiêm túc tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị này; đồng thời thực hiện việc kiểm tra, đánh giá hàng tháng, quý; sơ kết, tổng kết và báo cáo theo định kỳ về Ủy ban nhân dân tỉnh (Thông qua Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh Bình Dương về phòng, chống tham nhũng./. 

 

 

Nơi nhận:

- Văn phòng CP;

- VP BCĐ TW về PCTN;

- Vụ VIII- VPBCĐ;

- Cục KTVBQPPL-Bộ Tư pháp;

- TTTU, HĐND, ĐĐBQH tỉnh;

- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;

- CT, các PCT-UBND tỉnh;

- Các Sở, ban ngành, đòan thể tỉnh;

- UBND các huyện, thị xã;

- Các DN NN tỉnh;

- Trung tâm Công báo tỉnh;

- LĐVP TU, ĐĐBQH&HĐND, UBND tỉnh;

- Các phòng: TCHC, NC, KTTH, KTN, TH;

- Lưu: VT.

 

Tin liên quan